Sách khắc in Cấp Cổ Các

Những cuốn sách lớn hơn được khắc trong Cấp Cổ Các của Mao Tấn bao gồm Thập tam kinh (十三经), Thập thất sử (十七史), Tân đãi bí thư (津逮秘書) và Lục thập chủng khúc (六十種曲) cũng như nhiều cuốn sách quý hiếm và độc đáo khác nhau.[2] Ông đã trả giá rất cao cho bộ sưu tập sách vở độc đáo của mình, từng dán trên cửa nhà đôi câu "Người khác trả giá một nghìn, chủ hiệu trả giá một nghìn hai trăm". Đến nỗi người dân địa phương có câu tục ngữ rằng: "Ba trăm lẻ sáu kế sinh nhai, chẳng thà bán sách cho họ Mao". Chi phí khắc in sách cũng rất cao, mỗi trang có giá ba lạng bạc.[3] Giấy được sử dụng là giấy đặt làm từ Giang Tây, giấy mỏng có chữ Mao bên góc, giấy dày có chữ Mao đậm hơn, sách họ sao chép giống hệt sách gốc nên gọi là bản "Mao sao" (毛抄).[3]

Sưu tầm

Bản Cấp Cổ Các rất được giới sưu tầm sách và văn nhân đời sau yêu thích, Ngô Vĩ Nghiệp từng viết Cấp Cổ Các ca (汲古閣歌) khen ngợi thành tích này.[4] Bản do Mao Tấn biên soạn ban đầu gồm có Cấp Cổ Các giáo khắc thư mục (汲古阁校刻书目) chép lại 534 loại sách. Hối Đạo nhân thời Thanh lại biên soạn phần bổ di, thêm vào 44 loại sách, nâng tổng số lên 578 loại sách. Đào Tương cuối thời Thanh thích sưu tầm bản Cấp Cổ Các và có tổng cộng 540 loại sách khắc in. Minh Mao thị Cấp Cổ Các khắc thư mục lục (明毛氏汲古阁刻书目录) 1 quyển do Đào Tương biên soạn thu thập 623 loại sách, trong đó có 75 loại ông không sưu tầm được. Lời bàn trong phần đề tựa của Minh Mao thị Cấp Cổ Các khắc thư mục lục nói rằng "Bào Phương Cốc có một tập sách viết về sự tồn vong của bản khắc in Cấp Cổ" đó chính là Cấp Cổ Các khắc bản tồn vong khảo (汲古阁刻板存亡考) của Hối Đạo nhân, nhưng trên thực tế Hối Đạo nhân không phải tên là Bào Phương Cốc mà là Trịnh Đức Mậu thời Thanh.[4]